Lễ khai hạ thực chất là lễ hạ cây nêu, thường được mọi người tiến hành vào chiều mùng 7 tháng giêng để kết thúc chuỗi ngày nghỉ tết. Cùng tạp chí tử vi tìm hiểu ý nghĩa và bài văn khấn lễ khai hạ nhé!

Theo quan niệm dân gian, trong suốt dịp Tết nguyên đán, trước khi làm Lễ tạ (lễ Khai hạ), các vị thần linh và những bậc gia tiên luôn luôn ngự trên ban thờ mỗi nhà, họ về ăn tết cùng con cháu, gia chủ.
Gia chủ cúng dâng lên họ những thức tết, tiền vàng cùng những vật dụng giống như ở cõi trần. Lẽ hiển nhiên, phải có một ngày lễ để có thể hạ những đồ cúng kiếng từ ban thờ xuống cũng như tiễn thần linh và gia tiên về với thế giới của họ, sau quãng ngày tết.
Lễ khai hạ theo lẽ đó mà trở thành một nghi thức kết thúc chuỗi ngày lễ tết. Có thể nói, lễ khai hạ góp một phần khá đặc biệt vào sự thiêng liêng của những ngày tết nguyên đán.
Theo phong tục truyền thống ngày xưa, cây nêu ngày Tết sẽ được dựng từ 23 tháng Chạp, hay muộn nhất là dựng vào ngày 30 Tết, có treo kèm những vật trang trí như vòng tròn nhỏ hay thứ gì đó tùy theo phong tục từng địa phương.
Có nơi người ta treo bó lá dứa, khung tre nứa dán giấy màu xanh đỏ, lá bùa hình bát quái, vàng mã, câu đối hoặc hình con vật bằng đất nung… Có nơi lại là túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, chiếc khánh (chuông gió), những miếng kim loại lớn nhỏ, lá thiên tuế, lông gà, củ tỏi. Khi có gió thổi, chiếc khánh và những miếng kim loại phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh. Chiếc khánh, đồng âm với “khánh” có nghĩa là “phúc”có ý nghĩa năm mới đem lại hạnh phúc cho gia đình. Dưới chân cây nêu có rắc vôi bột và vẽ hình cung tên.
Trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: “Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “lên nêu”… có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”.
Tất cả những vật này có ý nghĩa trừ tà, báo cho ma quỷ biết đất đã có chủ, không được đến quấy nhiễu và cầu mong một năm mới tốt lành, bình an, may mắn.
Cây nêu còn là biểu tượng cho sự uy quyền, nhà nào có quyền thế nhất là nhà đó có cây nêu cao nhất.
Trước khi hạ cây nêu, chủ nhà đặt một cái bàn nhỏ, trên bày một đĩa dưa hấu, một ít hương, hoa… ngay gốc cây nêu ngụ ý báo cáo với trời đất là gia đình đã ăn Tết vui vẻ. Sau đó, rung cây nêu cho rụng hết lá khô thì hạ cây nêu xuống và đem bùa nêu treo ở cửa cái (cửa ở mặt trước ngôi nhà).
Với những gia đình buôn bán, ngày mồng 7 Tết họ làm cỗ cúng lễ để cầu buôn may bán đắt, làm ăn phát đạt trong năm mới.
Văn khấn lễ khai hạ
– Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
– Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương
– Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần
– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ, Chư vị Tôn thần
– Con kính lạy Ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành Hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.
– Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.
Hôm nay là ngày mùng 3 tháng giêng năm …………………
Chúng con là: ……………………………tuổi………………
Hiện cư ngụ tại ……………………………………………….
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.
Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.
Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)
Bài viết trên đây đã gửi đến đến độc giả các thông tin cần thiết về ý nghĩa bài văn khấn lễ khai hạ hy vọng sẽ giúp ích cho độc giả trong việc tìm hiểu văn hóa phong tục người Việt nhé!